Câu Chuyện Về Tình Thương của Thiên Chúa

Câu Chuyện Về  Tình Thương của Thiên Chúa

Tôi không nhớ rõ: câu chuyện đã xảy ra ở đâu và khi nào, câu chuyện giữa hai người bạn thân, nhưng không cùng một tôn giáo.

Hỏi: Anh đi Đạo Công giáo, vậy Anh làm ơn cho tôi biết: Anh nhận thấy nơi Chúa Giêsu Kitô của Anh, cái gì nổi bật nhất, đã làm cho Anh tín nhiệm hoàn toàn vào Người?

Thưa: Không dễ gì mà trả lời ngắn gọn câu hỏi của Anh được! Vậy tôi xin đưa ra một ví dụ: Ví dụ như thế này: chẳng may tôi trượt chân ngã xuống sông. Nước sông chảy xiết, lòng sông thì sâu và rộng. Tôi chới với kêu cứu, chẳng mấy chốc tôi kiệt sức và chìm dần xuống đáy lòng sông.

Nhiều người chứng kiến tai nạn này và họ muốn cứu sống tôi. Người thì đi báo cảnh sát, người thì gọi tới đội cứu hỏa. Một người tìm đâu ra được một tấm ván lớn, liệng xuống sông, để tôi ôm lấy mà bơi vào bờ; hai người khác thì chèo thuyền tới chỗ tôi chìm, thả xuống một giây thừng để tôi nắm lấy, rồi tôi sẽ được kéo lên. Dăm ba người khác thì đứng trên bờ sông, bàn luận sôi nổi về căn cớ và hậu quả của tai nạn. Họ cho rằng: hoặc lơ đãng, hoặc dại dột, nên tôi mới té xuống sông như vậy. Có người thì trách rằng: Tại sao xưa kia cha mẹ và nhà trường đã không dạy tôi bơi! Người khác thì lặng nhìn dòng sông, lòng ngậm ngùi thương cho số phận rủi ro của một người trung niên sắp chết đuối!... Anh biết không: lúc ấy kể như tôi đã chết thật rồi! Nước tràn vào phổi, trái tim ngưng đập, và óc tôi chẳng còn hoạt động nữa. Tôi mê man bất tỉnh như vậy thì làm sao tôi có thể ôm lấy tấm ván hoặc nắm lấy dây thừng, để rồi được người ta cứu mạng?!

May mắn thay, có một người liều chết nhảy xuống nước, lặn ngụp xuống tận đáy lòng sông, nơi tôi nằm co quắp bất tỉnh. Người đó lấy hết sức bình sinh, đội tôi lên khỏi mặt nước, trao tôi cho hai người trên thuyền chở vào bờ, mà làm hô hấp, cải tử hoàn sinh cho tôi.

Qua ví dụ trên, tôi muốn Anh biết rằng: Nhiều lúc tôi thấy mình kiệt sức trước những thử thách của cuộc đời, trước mãnh lực của tội lỗi và của sự chết. Tôi không thể tự cứu tôi được, tôi chẳng khác nào người chết đuối dưới lòng sông sâu thẳm. Và Đức Giêsu Kitô là người duy nhất đã liều mạng nhảy xuống nước, lặn ngụp tới đáy lòng sông và đội tôi lên, để cứu tôi, cho tôi được sống an lạc mãi mãi. Người đã thực hiện tình yêu thương vị tha và dũng cảm không bờ không bến! Đó là nét độc đáo nổi bật nhất, có một không hai, mà tôi đã ghi nhận được nơi Đức Giêsu Kitô và, vì vậy, tôi tin theo Người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD (Gia đình con cái của Chúa)

 

Ghi Lòng Tạc Dạ

Có lẽ chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Chúa và kính mến Đức Mẹ một cách tốt đẹp và hữu hiệu nhất, khi chúng ta ghi sâu vào tâm khảm, ngày đêm ôn đi nhẩm lại, rồi đưa ra thực hành một Lời ngắn gọn của Chúa sau đây, mà Thánh Matthêô đã viết ra trong Phúc âm của Nguời:

“Anh em hãy học nơi Thầy, Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường; tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.“(Mt 11,29)

Thật không ngờ: từ trăm ngàn năm, Lời Chúa dạy bảo chúng ta trên đây đã được thực hiện tuyệt vời... nơi Loài Cỏ Dại, trong một khu vườn trống vắng hoang vu! Sau đây là một bài nhận xét của nhà tư tưởng Norman H. Russel về những cây cỏ hoang dại, hiền hòa và khiêm tốn, thường được coi là vô danh và vô dụng:

„Tôi nghĩ rằng: không có gì xinh đẹp hơn loài cỏ: xanh và mềm; mềm đến độ: sau khi vừa bị thiên hạ dẫm chân lên, cỏ đã ngóc đầu dậy. Cỏ cũng rất mạnh sức: bị trâu, bò và cừu, chiên gặm trọc trụi, thế mà trong chốc lát, cỏ lại nẩy nở ngay, để khi đoàn súc vật kia trở lại, thì đã có sẵn cỏ mới ăn rồi. Cỏ mọc khắp nơi, dưới bóng cây rậm rạp um tùm, cũng như nơi ánh mặt trời chói chang. Cỏ có đủ loại: loại cỏ thấp và loại cỏ cao. Cỏ không cần phải có lâu thời giờ, để sinh sôi nẩy nở. Cỏ phủ kín những mảnh đất bị bỏ hoang vu. Cỏ trang trí cho các chỏm núi đá bớt vẻ chênh vênh. Cỏ là nơi trú ẩn an toàn cho bao nhiêu sinh vật nhỏ bé. Cỏ cũng là nơi, khi mệt mỏi, chúng ta ngồi xuống, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Cỏ được tạo dựng cho trâu, bò, cừu, chiên, cho bạn và cho tôi. Cỏ là một trong muôn vàn món quà tốt đẹp nhất mà Thượng Đế ban tặng cho toàn thể chúng sinh vậy.»

Mùa hè, có dịp đi qua những đồng cỏ dại trên sườn đồi, tôi được tận hưởng sự bình an tỏa ra từ vô vàn cây cỏ vô danh đó. Bất giác tôi nhớ tới lời Chúa Giêsu dạy tôi, mà Thánh Matthêô đã ghi lại ở trên đây, và tôi chắp đôi tay, quì gối xuống trên thảm cỏ hoang dại, mà thưa với Chúa rằng:

“Lạy Đức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa!”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD (Gia đình con cái của Chúa)

 

Một câu chuyện cổ tích rất tân thời

Ngày xưa, có một ông vua trẻ tuổi, rất mực thông minh và hiếu học. Ông truyền cho các quan trong Bộ Quốc Học sưu tầm và viết ra tất cả những kiến thức quan trọng trong lịch sử nhân loại. Sau 40 năm dày công nghiên cứu, họ đã hoàn thành một bộ sách gồm 1000 cuốn. Các quan vào triều dâng tủ sách vĩ đại đó cho vua. Nhà vua phán rằng: “Năm nay trẫm đã 60 tuổi rồi, có sức đâu mà đọc được 1000 pho sách dầy như vậy. Thôi, các Khanh hãy về mà thâu tóm ngắn lại.” Các quan lại miệt mài làm việc. Mười năm sau, họ dâng cho nhà vua một bộ sách gồm 100 cuốn. Nhà vua khen thưởng xong, chậm rãi phán rằng: “Trẫm nay đã già 70 tuổi, nhờ các Khanh về nhà, viết cô đọng lại thành một cuốn sách thôi, thì may ra trẫm mới đọc được!” Các quan ngày đêm làm việc. Sau mấy năm họ hoàn thành một cuốn sách thâu tóm những kiến thức quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Nhưng khi họ vào triều dâng sách cho vua, thì nhà vua đau nặng, sắp băng hà. Vua thì thào hỏi các quan: “Cái gì thật sự quan trọng nhất?” Lúc ấy vị quan đại thần, cũng là tổng trưởng Bộ Quốc Học, quì sụp xuống mà tâu lớn tiếng rằng:

“Muôn tâu Bệ Hạ, người ta, ai cũng sinh ra, làm việc, đau khổ, rồi chết. Trong lịch sử nhân loại chỉ có một sự quan trọng nhất còn tồn tại mãi mãi, đó là lòng YÊU THƯƠNG! - Kết tinh của tất cả các công lao nghiên cứu và sưu tầm của chúng hạ thần từ hơn 50 năm nay, chính là lòng YÊU THƯƠNG vậy!»

Câu chuyện trên đây dạy rằng: tất cả có thể bị bỏ quên: công lao, danh vọng, giầu sang, thông thái, chức quyền... Tất cả đều sẽ mai một. Chỉ có lòng yêu thương là trường tồn. Chỉ có lòng yêu thương là bất diệt! Bởi vậy, mỗi ngày, chúng ta hãy siêng năng tu tập lòng yêu thương: giúp đỡ, tha thứ, nhường nhịn, bao dung và hài hòa. Ta hãy mỉm cười với nhau nhiều hơn. Ta hãy mở rộng trái tim để cảm thông và mở rộng đôi bàn tay, để chia cơm sẻ áo, để đón nhận và trao tặng... .

Như vậy, chúng ta sẽ sống mãi, bởi vì chúng ta đã hòa nhập đời mình vào lòng yêu thương vô tận của Thiên Chúa, điều mà chúng ta suy niệm và thực tập, đặc biệt trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD (Gia đình con cái của Chúa)

 

Read 1174 times

Last modified on Freitag, 11/06/2021

ĐỨC MẸ MARIA tước hiệu LAVANG
Bổn mạng Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Đức

https://hinhanh.ldcg.de/

 

« April 2024 »
Mon Tue Wed Thu Fri Sat Sun
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          

Chuyện Phiếm Đạo Đời

Vậy, xin thưa: thoạt khi lọt lòng mẹ, bần đạo được xếp hạng thứ mười hai trong gia đình nhỏ bé, các cụ tìm không ra cái tên nào hay đẹp hơn nữa, bèn đặt cho cái tên là Trần Ngọc Tá, rồi đi hỏi cha xứ Trịnh Như Khuê (lúc ấy làm linh mục chánh xứ Hàm Long, Hà Nội), rồi sẽ sửa đổi sau. Nhưng, cha xứ Hàm Long sau đó làm Giám Mục rồi Hồng Y, các cụ thân sinh ra bần đạo không còn dám quấy rầy cha/cố nữa. Quên đi mất. Để rồi thằng bé, khi di cư vào Nam, đến Nha Trang, quan chức cứ gọi tên lên mà hạch hỏi, thay vì gọi tay Trần ngọc Tá, cứ phiên âm thành Trần Ngọc “Té”, nghe như thằng bé bị té giếng không nghe tiếng gọi, mãi chẳng lên. Thôi thì, từ đó xin chọn tên này làm … quê hương. Dẫu khó thương. Và, đó là những tâm tình hơi khó thương, nhưng có thật, đấy ạ.

Và, đáp ứng câu của chị Đỗ Thị Thu Vân, cựu giáo chức ở Sài gòn, đã hỏi: tại sao các vấn đề người viết đưa ra, đều bỏ ngỏ, không giải đáp? Bần đạo tình thật thưa: mình rất tránh những tranh luận/cãi vã về lập trường thần học, rất thánh kinh. Phần này, xin nhường lời cho các đấng bậc cao siêu, đứng lớp. Riêng cá nhân, chỉ nhìn ra vấn đề trong sống Đạo, ở đời thường. Đã là tốt. Các giải đáp, cho vấn nạn đặt ra cho mỗi người, ở cuộc sống; hãy cứ để mọi người được kiếm tìm. Một khi đã gặp gỡ Đức Kitô rồi, sẽ có đáp số cho riêng mình, mà sống Đạo. Trong cuộc đời. Với mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai

Những Sự Kiện Sắp Tới

Keine Veranstaltungen gefunden

Lịch Mục Vụ

  

KyyeuLDCG

Để đánh dấu mừng kỷ niệm 40 năm Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức, Liên Đoàn Công Giáo đã thực hiện một tập kỷ yếu ghi lại những sinh hoạt của LĐCGVN và tất cả hình ảnh của các Đại Hội Công Giáo kể từ ngày thành lập cho tới nay. Mọi chi tiết cần biết xin liên lạc Văn Phòng LĐCGVN

Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

2018 10 09 14 31 09

Đặc san Giáo Sĩ Việt Nam được phát hành qua email 2 tuần một lần. Nếu muốn nhận trực tiếp bằng email, xin vui lòng gởi thư GHI DANH tại địa chỉ: giaosivietnam@gmail.com

LyTrungTin

Soạn Giả cuốn Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị và Tạp Chí Dân Văn không giữ bản quyền cuốn sách này, do đó tất cả mọi người vì nhu cầu viết tiếng Việt đều có thể in ấn cũng như sử dụng cuốn Tự Vị này, mong rằng đây là một đóng góp tích cực và nhỏ nhoi cho cộng đồng người Việt tại Hải Ngoại.

- Download/tải Hỏi Ngã Chánh Tả Tự Vị
- Download/tải Phụ bản

Khách truy cập

Hôm nay 218

Tổng cộng 14239458

Lên đầu trang