Được các Đức Hồng y bầu chọn trở thành Giáo hoàng thứ 267. của Gíao hội Công giáo Roma, Đức tân Giáo hoàng Leo XIV. đã có tâm tình với toàn thể dân chúa khắp hoàn cầu: "Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, giống như quảng trường này, mở ra cho tất cả mọi người, cho tất cả những ai cần lòng bác ái, sự hiện diện, đối thoại và tình yêu của chúng ta." (Tân giáo hoàng Leo XIV., Vatican ngày 08.05.2025).
Khuôn mặt người "xây dựng cây cầu" là gì ?
Tiếng latinh có từ ngữ "pontifex" được kết hợp do hai từ ngữ "pons - cây cầu", và "facere - xây dựng, làm thành". Pontifex mang ý nghĩa "xây dựng hay bắc cây cầu". Nguyên thủy vị Thầy cả (linh mục) tối cao, vị tư tế thủ lãnh đứng đầu các Tư tế vào thời Roma cổ xa xưa được xưng tụng với danh xưng là Pontifex.
Danh hiệu Pontifex Maximus mang ý nghĩa "người bắc cầu cao cả nhất". Vị tư tế này đóng vai trò có nhiệm vụ trung gian giữa con người trần gian và thế giới các thần linh.
Ở thành cổ Roma Forum Romanum (bây giở chỉ còn là những tòa nhà, đền đài đổ nát) có ngôi dinh thự tên là Regia. Nơi tòa nhà Regia có tòa thánh thiêng (giống như thánh địa) để thờ kính thần minh chiến tranh Mars và một tòa kính thờ nữ thần mùa màng.
Thời đại hoàng đế của đế quốc Roma danh hiệu Pontifex Maximus được trao cho vị hoàng đế cai trị đế quốc Roma. Như thế chính trị và tôn giáo đan chéo vào với nhau. Hoàng đế Augustus (63 v. Chr. Gaius Octavius ở Rom; † 19. August 14 n. Chr. Thành Nola) của đế quốc là vị hoàng đế đầu tiên của Roma tự cho mình là Pontifex Maximus, sau đó tất cả những vị hoàng đế kế nhiệm tiếp theo cũng nhận danh hiệu này.
Sau khi để quốc Roma sụp đổ, danh hiệu Pontifex Maximus được chuyển sang cho thời đại Giáo hoàng. Từ đó danh xưng Summus Pontifex (Vị Giám mục tối cao) trở thành một trong những danh hiệu của Đức Giáo hoàng Roma. Từ thế kỷ 06. sau Chúa giáng sinh danh hiệu Pontifex Maximus được xưng tụng dành cho các Đức Giáo hoàng Roma.
Chúa Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, là Vị trung gian giữa Trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người trần gian, là Vị Tư Tế thượng phẩm cao cả. Nhưng không cho mình là Pontifex maximus. Trái lại Ngài tự hạ mình xuống làm người phàm, sống vâng lời Thiên Chúa cho đến chết trên thập gía.(Thư Phil. 2,6-11).
Và Kinh Thánh đã diễn tả phẩm chất vị Pontifex Maximus của Giáo hội Chúa: "Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối;3 mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi.5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con,6 như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,10 vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê." (Thư Do Thái 5,1-10)
Trong ý nghĩa vai trò như thế, Đức tân Giáo hoàng Leo XIV. đã muốn là người "bắc cây cầu - Pontifex" cho Giáo hội Chúa ở trần gian hôm nay và ngày mai.
Đức tân Giáo hoàng Leo XIV. đã công khai xác nhận đời sống bản thân mình là một tu sĩ Dòng Thánh Augustino, sống theo phương châm linh đạo của vị Thánh Giáo phụ Augustino: "Tôi là một người con của Thánh Augustinô, một tu sĩ dòng Augustinô." Ngài đã nói "Với anh em, tôi là một Kitô hữu, vì anh em, tôi là một giám mục." Vì vậy, xin cho tất cả chúng ta cùng nhau bước đi về quê hương mà Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta." (Vatican 08.05.2025).
Rồi ngày Chúa nhật 11.05.2025 lần đầu tiên trong chức vị Giáo hoàng, Đức Leo XIV. đã cùng với mọi người tụ tập nơi quảng trường đền thờ Thánh Phêrô bên Vatican đọc kinh Regina coeli – Lạy Nữ Vương thiên đàng - Thông thường xưa nay kinh này được đọc, nhưng theo ký giả Lamb viết tường thuật "A surprise from Pope Leo: singing the #ReginaCaeli prayer". "Pontifex cantando" – Thật là một ngạc nhiên bất ngờ thú vị, Đức Giáo hoàng Leo hát cầu nguyện kinh Regina coeli"
Cung cách cầu nguyện theo cung điệu âm nhạc hát của vị tân Giáo hoàng Leo XIV. tu sĩ Dòng Augustino diễn tả tâm hồn sống theo đúng linh đạo của vị Thánh Augustino sáng lập Dòng đề ra: "Hát là cầu nguyện hai lần".
Kinh Regina coeli được đọc, hay hát trong suốt mùa mừng Chúa Giêsu phục sinh, từ ngày lễ mừng Chúa Giêsu phục sinh tới lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống thay cho kinh Truyền Tin.
Regina coeli [teilweise: caeli], laetare, alleluia.
Quia quem meruisti portare, alleluia,
Resurrexit, sicut dixit, alleluia.
Ora pro nobis Deum, alleluia.
Gaude et laetare, Virgo Maria, alleluia.
Quia surrexit Dominus vere, alleluia.
Oremus:
Deus, qui per resurrectionem filii tui
Domini nostri Iesu Christi mundum laetificare dignatus es:
praesta, quaesumus, ut per eius Genetricem Virginem Mariam
perpetuae capiamus gaudia vitae.
Per eundem Christum Dominum nostrum.
Amen.
Tiếng Việt Nam:
Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng – Alleluia
Đáp: Vì đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng – Alleluia
Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa – Alleluia
Đáp: Xin cầu cùng Chúa cho chúng con – Alleluia
Xướng: Lạy Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỉ hoan khoái lạc – Alleluia
Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật – Alleluia
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, là đấng đã làm cho thiên hạ vui mừng qúa bội bởi Đức Chúa Giêsu Kitô, là Con Chúa cùng là Chúa chúng con đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Thánh thi kinh cầu nguyện Regina coeli có từ thời thế kỷ 12. Kinh cầu nguyện này là truyền thống rất thịnh hành phổ thông trong các tu viện, và dần được Giáo Hội chính thức công nhận cho phổ biến thành kinh cầu nguyện căn bản rộng rãi trong Giáo hội.
Nội dung lời kinh này hướng về Đức mẹ Maria lồng khung trong mùa lễ mừng kính sự Phục sinh sống lại của Chúa Giêsu Kito, người mẹ xưa kia đã sinh hạ, nuôi dưỡng Chúa Giêsu và cùng chịu đựng đau khổ với Chúa Giêsu con mình cho tới lúc Chúa Giêsu chịu chết trên thập gía, rôi được an táng trong mồ dưới lòng đất. Nhưng Chúa Giêsu được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Nên sự Sống lại của Chúa Giêsu là niềm vui mừng không gì lớn lao hơn cho người mẹ Maria.
Thánh thi Regina coeli này là kinh cầu nguyện trung tâm của nếp sống đức tin trong Giáo hội Công giáo từ hằng bao thế kỷ qua. Lời kinh cầu nguyện này phát tỏa ra ánh sáng niềm hy vọng và cả sự dấn thân hy sinh ẩn chứa trong đó.
Lời kinh Regina coeli chất chứa tâm tình ca ngợi về niềm vui mừng, niềm hy vọng, một công bố tuyên xưng về sự chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi kẻ chết.
Lời kinh Regena coeli diễn tả tâm tình xin ơn phù giúp của Thiên Chúa qua nhờ lời bầu cửa của Đức mẹ Maria, mẹ Chúa Thiên đàng, cho cuộc sống con người, cho đời sống Giáo hội Chúa ở trần gian, giữ vững lòng tin tưởng, hy vọng trông cậy vào Chúa Giêsu phục sinh, trên con đường hành hương nơi trần gian có nhiều thử thách chao đảo.
Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long