Print this page

Hình ảnh người chăn chiên nhân lành (Ga 19,11-18)

Hình ảnh người chăn chiên nhân lành (Ga 19,11-18)

 

Người chăn chiên, hay người mục đồng, là hình ảnh có một qúa khứ lịch sử dài từ thời cổ xưa trong các triều đại văn hóa vua chúa bên vùng Đông phương, vùng Babylon, vùng cận Đông. Nơi đây các vị vua chúa được tôn vinh là những người chăn chiên do Thiên Chúa sai gửi đến. Họ có bổn phận „chăn dắt“ trong công việc cai trị thần dân đất nước.

Sự quan tâm lo lắng cho dân chúng, cho những người yếu kém, nghèo đói thuộc về bổn phận trách nhiệm chăn dắt của vị vua.

Như thế theo ý nghĩa nguyên thủy đó giúp cắt nghĩa làm sáng tỏ ý nghĩa hình ảnh mà Chúa Giêsu Kitô nhận mình là „người chăn chiên nhân lành“ như trong phúc âm thuật lại.

Trước và trong thời Chúa Giêsu Kitô ngày xưa, dân chúng Do Thái đã có Thánh Vịnh cầu nguyện tôn vinh Thiên Chúa là người chăn chiên: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.“ (Tv. 23,1).

Và ngày nay các người tín hữu Chúa Giêsu Kitô cũng vẫn hằng dùng lời Thánh vịnh 23. này cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa là người chăn chiên nhân lành hằng lo lắng săn sóc cho đời sống có bình an no đủ.

Lời cầu nguyện chan chứa tâm tình của Thánh vịnh 23. không phải là cung cách sống tiêu cực phó mặc cho số phận. Nhưng là lòng tin tưởng cậy trông. Vì tin tưởng rằng, khả năng con người có giới hạn, cùng trong đời sống có nhiều biến chuyển thay đổi uốn khúc lên xuống… Nhưng Thiên Chúa, Đấng là “người chăn chiên nhân lành“ không bỏ rơi ta một mình. Trái lại Người hằng đồng hành, quan tâm săn sóc chú ý đến đời sống, nhất là khi đời sống gặp khó khăn vướng trở thử thách. Vì con người luôn cần sức lực niềm vui, niềm hy vọng cho đời sống. Sức lực này Thiên Chúa, đấng là “người chăn dắt„ ban cho, theo phương châm „mình lo Chúa liệu.“

Vì thế lời cầu nguyện của Thánh vịnh bày tỏ: „Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.“ (Tv 23,4)

Hình ảnh này bình dân, nhưng lại rất thân thương quen thuộc với đời sống con người. Các tín hữu Chúa Kitô xưa nay đã vẽ khắc rất nhiều hình ảnh trình bày Chúa Giêsu là người chăn chiên nhân lành lo cho sự sống đoàn chiên cừu, như hình Chúa Giêsu dẫn đòan chiên cừu đi ăn trên đồng cỏ đi qua những vùng thung lũng đồi núi, như hình Chúa Giêsu vác trên vai con chiên còn non yếu, con chiên bị đau bệnh, Chúa Giêsu đi tìm kiếm được con chiên lạc đàn…

Ngày nay nhất là nơi xã hội kỹ nghệ phát triển hình ảnh người chăn chiên không còn mấy thích hợp với đời sống thực tế nữa, và có khi lại gây ra suy đoán tiêu cực, hiểu sai trái ý nghĩa nữa.

Dẫu vậy hình ảnh đó chứa đựng những khía cạnh ý nghĩa đạo đức thần học. Một trong những khía cạnh ý nghĩa đó phản ảnh nơi mỗi người trong suốt cả đời sống. Đó là trách nhiệm.

Hình ảnh người chăn chiên nói lên trách nhiệm lo cho đoàn chiên được chăm lo cho có bình an mạnh khoẻ no ấm, được gìn giữ bảo vệ trước những nguy hiểm bị đe dọa.

Như thế có thể nói vai trò người chăn chiên cũng được nhìn nhận ra nơi mỗi con người. Vì sớm muộn ai cũng phải có những quyết định cho đời sống mình, như chọn nghề nghiệp, chọn bậc sống, nơi ở… Và như thế họ chịu trách nhiệm cho quyết định đời sống của riêng mình.

Rồi trong suốt dọc con đường đời sống, càng có thêm trách nhiệm cho đời sống, cho gia đình, cho xã hội đất nước, cho bạn bè người quen thân, cho công ăn việc làm trong chiều liên đới tương quan xã hội với con người cùng chung sống…

Con người không ai là sản phẩm của chế tạo nặn đúc từ một phòng thí nghiệm, hay từ một xưởng nhà máy chế biến thành. Nhưng là công trình tạo dựng tác phẩm của Đấng Tạo Hóa, là hình ảnh của Thiên Chúa.

Con người được Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá trao cho sinh sống trong công trình vũ trụ thiên nhiên. Được Thiên Chúa chăn dắt lo cho đời sống. Nên con người có trách nhiệm gìn giữ hình ảnh Thiên Chúa nơi bản thân tâm hồn của mình, và cũng có trách nhiệm phải lo gìn giữ bảo vệ công trình ngôi nhà thiên nhiên.

„ ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.“ * Sáng Thế, 2,15)

Càng ngày nhân loại càng nhận rõ ra hơn trách nhiệm bảo vệ gìn giữ công trình thiên nhiên, gìn giữ bảo vệ sự sống không chỉ của con người, mà cả của các thứ loại cây cối thảo mộc, và những sinh vật bé nhỏ như loài ong bướm, những thú động vật cùng sinh sống trong công trình thiên nhiên.

Con người được Đấng Tạo Hóa sinh thành chăn dắt nuôi dưỡng. Con người cũng có trách nhiệm là người chăn dắt lo cho đời sống của mình, của người khác, cùng những sinh vật trong công trình tạo dựng thiên nhiên.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 

Read 961 times

Last modified on Freitag, 23/04/2021