Print this page

Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu nói với tất cả mọi người trong đoàn chiên của Chúa những lời an ủi, những lời khích lệ chúng ta đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.“

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12,32-40)

Chúa nhật tuần trước, Giáo hội cho chúng ta nghe Lời Chúa nói về ông phú hộ của cải thóc lúa dư đầy, và ông tự nhủ lòng mình: „Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,19-21)

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là yêu thương và tôn trọng mọi người như chính bản thân mình, nhất là những người lâm vào cảnh khốn cùng, những người cô thân cô thế, những người côi cút không nơi nương tựa.

Đối với những người có của cải dư đầy, ruộng nương thênh thang, thóc lúa đầy kho; Chúa Giêsu khuyên họ: „Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời.“

Làm việc bố thí là yêu thương người thân cận, yêu thương với tấm lòng chân thật trong đức tin, vì họ cũng được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; chứ không yêu thương trên môi miệng. Kinh Thánh cho chúng ta biết yêu thương trên môi miệng là người có đức tin như thế nào:

„Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.“ (Gc 2,15-17)

Lời Chúa còn dạy cho ta biết: Muốn sống đẹp lòng Thiên Chúa, thì chúng ta phải sống bác ái với người thân cận như thế nào: „Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.“ (1 Ga 4,20)

Chúng ta đọc kinh kính mến hằng ngày, nếu không cố gắng sống như lời kinh, thì chúng ta trở thành kẻ nói dối.

Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, lại vì Chúa, thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.

Khi làm việc bố thí với tấm lòng chân thật, chắc hẳn ai ai cũng nghĩ rằng: Con làm việc này nhân danh Chúa. Con bớt một phần ăn của con để dành cho những anh chị em đang gặp khó khăn. Con không mong người đời khen thưởng, mà chỉ mong việc làm của con đẹp lòng Chúa. Nếu việc làm bác ái là của cải chúng ta dành dụm bỏ vào kho ở trên trời, thì tâm trí chúng ta cũng ở đó.

Chúa Giêsu còn dạy chúng ta: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ.

Tôi chợt nhớ đến bài suy niệm được đăng trong cuốn sách „một năm bước đi theo Chúa“ của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Tịnh, FD

Bài Học Của Con Hắc Khuyển

Phòng làm việc của tôi ở sát cạnh bên một Vườn Trẻ, nên tôi có dịp quan sát một cảnh tượng thật phong phú cho tôi.

Từ hơn một năm nay, từ thứ hai đến thứ sáu, cứ khoảng 12 giờ trưa, tôi nghe mấy tiếng chó sủa. Thỉnh thoảng tôi tới gần cửa sổ nhìn ra, thì tôi thấy một người mẹ trẻ đẩy một chiếc xe chở baby, trong đó một bé thơ nằm ngủ ngon lành. Đi bên cạnh xe là một con chó đen khá lớn và đã nhiều tuổi đời. Tôi tạm đặt tên cho nó là “Hắc Khuyển“ (H.K.) Tới cổng vườn trẻ, bà chủ cột dây xích của Hắc Khuyển vào một cây cột sắt hàng rào, rồi bà đẩy chiếc xe baby vào Vườn Trẻ, để đón đứa con trai 4 tuổi về. Cũng có một vài lần, vì vội vàng, bà gài chiếc xe baby lại ngay bên cạnh con Hắc Khuyển, trao phó cho nó trọng trách coi xe và coi đứa bé thơ trong xe. Trong lúc chờ đợi chủ dẫn con từ Vườn Trẻ đi ra, Hắc Khuyển ngồi, đứng, nhưng luôn hướng đôi mắt về phía cửa Vườn Trẻ. Có ai qua lại gần chỗ nó, thì Hắc Khuyển chỉ liếc nhìn thoáng qua thôi, rồi lại chăm chú hướng về Vườn Trẻ. Thỉnh thoảng nó sủa lên đôi ba tiếng, như để cầm canh, báo cho chủ biết là nó đang chờ bà; thành ra tiếng sủa của nó không gay gắt và không có tính chất báo động, hoặc hăm dọa. Lần nào nó có bổn phận trông coi đứa bé thơ trong xe nhỏ bên cạnh nó, thì họa hiếm nó mới sủa một vài tiếng, chỉ vì nó không muốn làm mất giấc ngủ của bé thơ. Khi nó thấy bà chủ dắt đứa con trai từ xa đi tới, thì bao giờ nó cũng vẫy đuôi lia lịa và kêu lên mấy tiếng ỷ eo, rồi nó nhảy chồm lên, hai chân trước giơ cao, múa may, như muốn vỗ vào nhau, để tỏ niềm hoan hỷ. Lúc chủ cởi dây xích cho nó, thì nó cúi rạp xuống, đuôi không ngừng vẫy, rồi nó sủa lên một tiếng, như để cám ơn. Tiếp đó, nó quấn quít đi theo bà chủ, bên cạnh chiếc xe baby và cậu bé về nhà. Con Hắc Khuyển đã vô tình dạy cho tôi một bài học Chờ Chủ. Cũng như nó, tôi biết rằng: Thiên Chúa, chủ nhân của tôi, luôn ở bên tôi, Đôi khi Người cũng đi xa tôi một khoảng cách, một ít thời gian. Tôi muốn học được sự nhẫn nại đợi chờ và tín thác, luôn hướng tâm tư về Thiên Chúa, như Hắc Khuyển luôn nhìn về phía bà chủ nơi Vườn Trẻ. Đôi khi, để biểu lộ sự đợi chờ, tôi cũng có một lời cầu nguyện, một mỉm cười và một câu ca ngợi, để Chúa biết là tôi kính mến Người và đón chờ Người.

Thường thì Chúa trao cho chúng ta trách nhiệm, trong khi chúng ta đợi chờ Người: trách nhiệm lớn, trách nhiệm nhỏ, đối với gia đình, bằng hữu, đối với nghề nghiệp, Cộng đoàn, Giáo hội và Quê hương.v...v. Vì chờ đợi không có nghĩa là ngưng mọi hoạt động, hoặc chẳng làm việc gì cả, nhưng là chu toàn bổn phận thường nhật của mình.

Con Hắc Khuyển đã làm gương cho tôi, khi nó vừa chăm chú đợi chủ, vừa cẩn trọng coi sóc chiếc xe đẩy bé thơ mà chủ đã trao cho nó bảo toàn. Nhưng điều quan trọng hơn cả mà tôi còn phải học được nơi Hắc Khuyển là niềm hoan lạc vô tận trong trái tim tôi, khi tôi lại được gặp Thiên Chúa. Niềm vui khi cầu nguyện, niềm vui khi dự lễ, khi rước lễ. Niềm hoan lạc khi giúp đỡ đôi ba người nghèo khó, già nua, bệnh tật, vì họ là hiện thân thông thường của Thiên Chúa trên đường đời của tôi.

Còn một thắc mắc quan trọng nữa đó là khi tôi mắc bệnh nặng và khi giờ lâm chung gần kề, liệu tôi có được bình an và mừng rỡ, vì biết rằng: trong chốc lát nữa, tôi sẽ được về bên Chúa và sẽ mãi mãi được sống hạnh phúc trong Ðại-gia-đình của con cái Thiên Chúa chăng? - Con Hắc Khuyển đã mừng quýnh, khi được gặp lại bà chủ của nó. Còn tôi,  liệu tôi có hoan lạc, vì tôi sẽ được gặp lại Chúa như vậy chăng?.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa là Chúa và Chủ của con, xin Chúa ban ơn để ngọn đèn đức tin của con luôn cháy sáng, xin ban cho con một tinh thần sáng suốt của người tôi tớ đợi Chủ của mình trở về. Amen.

Giuse Bùi Văn Toàn, FD (Gia đình con cái của Chúa)

Read 657 times